Việc thăm dò và dự báo nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc lập kế hoạch dài hạn và ngắn hạn phát triển nghề khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Việc thăm dò và dự báo cá biển là một nhiệm vụ phức tạp và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tổ chức đánh bắt nhằm mang lại lợi ích nhiều nhất; ít hao phí về lao động, công cụ, vật tư, nhiên liệu…lại đạt được sản lượng lớn và có giá trị kinh tế cao.
Thăm dò và dự báo cá biển về cả hai mặt nguồn lợi và tình hình khai thác đòi hỏi phải có sự hiểu biết sâu sắc nhiều mặt về biển, về sinh vật học các loài cá kinh tế, phải có trang bị kỹ thuật hiện đại và được tổ chức một cách khoa học.
Việc thăm dò và dự báo tình hình khai thác có nhiệm vụ: xác định sự phân bố loài cá trong mùa vụ và dự báo đàn cá cần đánh bắt, xác định vùng biển có lợi nhất cho việc kết đàn của đàn cá cần đánh bắt, hai nhiệm vụ này thuộc trách nhiệm của hai ngành sinh vật học và hải dương học. Xác định đàn cá đánh bắt là trách nhiệm của hai ngành sinh vật học và kỹ thuật. Đưa đội tàu đến đánh bắt ở nơi phát hiện ra đàn cá thuộc trách nhiệm của bộ phận chỉ huy sản xuất và ngành kỹ thuật. Dự báo ngắn hạn về tình hình và tính ổn định của đàn cá đã được phát hiện để tổ chức đánh bắt có lợi nhất là nhiệm vụ của ngành sinh vật học, xuất phát từ những hiểu biết về sinh vật học của loài cá và phản ứng của chúng đối với sự biến đổi của các nhân tố môi trường.
Phần nhiều các loài cá kinh tế đều có thói quen kết đàn trong các thời kỳ: kiếm mồi, phát dục, đi đẻ, trú đông.
Việc xác định đúng các yếu tố quyết định trong các thời kỳ khác nhau: kiếm mồi, đi đẻ, di trú, trú đông…của đời sống loài cá là điều kiện đầu tiên bảo đảm cho sự thành công của công tác thăm dò. Còn việc nghiên cứu các nhân tố ngoại cảnh sẽ tiết kiệm thời gian tìm đàn cá so với phương pháp đánh thử trong thăm dò, mặc dù phương pháp đánh thử là không thể thiếu được trong các cơ quan nghiên cứu và trong các doanh nghiệp lớn về khai thác cá biển.
Điều kiện chủ yếu bảo đảm cho việc thăm dò đạt kết quả là sự lựa chọn chính xác và phối hợp chặt chẽ các phương pháp được sử dụng.
Việc đánh bắt cá thường được thực hiện trên đường bơi của cá, nên việc xác định kết đàn khi bơi là rất có ý nghĩa, vì từ đó dẫn tới việc xác định quy mô và hình thức thích hợp để đánh bắt cá.
Công tác thăm dò và tìm kiếm sát đàn cá có thể tiến hành ở trong nước biển hoặc từ trên không. Ở trong nước biển, con người thăm dò thông qua việc nghiên cứu các yếu tố môi trường đối với từng loài cá, bằng lưới và các dụng cụ đánh bắt thử, bằng máy thăm dò hoặc bằng tàu lặn thăm dò. Từ trên không việc thăm dò bằng máy bay, khinh khí cầu và ngày nay cả bằng vệ tinh nữa.
Ngoài ra qua thực tiễn sản xuất, ngư dân còn xác định mùa vụ và liên hệ tới nhiều yếu tố môi trường, với mối quan hệ giữa chim, thú biển với sự xuất hiện cá để tìm đàn cá.
Bằng mắt thường có thể dễ dàng trông thấy nhiều loài cá ở gần mặt biển. Từ trên mạn tàu hay trên đỉnh cột tàu thuyền bằng mắt thường rất dễ xác định đàn cá, vì đàn cá dày đặc tạo thành những vệt màu sẫm trên mặt biển họăc vì đàn cá bơi lội mà sinh ra một loại hoa sóng dễ phân biệt nhất là vào ban đêm.
Ngư dân có kinh nghiệm cho rằng nơi có hải âu là nơi có cá. Loại hải âu Larus argentatus và hải âu Larus marinus không bắt được cá ở sâu dưới mặt biển 0,5m, nhưng chúng có khả năng nhìn thấy đàn cá ở tầng nước sâu, nên tập trung bay về chỗ có đàn cá chờ đợi bắt những con cá bơi lên tầng mặt để kiếm mồi, hay bị cá dữ đuổi phải bơi lên tầng mặt hoặc nhảy lên khỏi mặt nước biển. Còn hải âu Pufinus được ngư dân vùng Hắc Hải gọi là “chim đi săn” có thể bắt được cá ở dưới sâu mặt nước tới vài chục mét.
Chim hải âu thường có các hoạt động như sau:
– Cả đàn bay lượn mãi trên một vùng biển, bất ngờ kêu lên và bổ nhào xuống bắt cá, chứng tỏ nơi đó có đàn cá ở gần mặt biển.
– Cả đàn đậu nổi trên mặt biển từ chỗ này bay sang chỗ khác, chứng tỏ đàn cá ở tầng sâu so với mặt biển.
– Rất nhiều hải âu riêng lẻ cùng bay hướng về một vùng biển, nơi ấy thường là có đàn cá.
Quan sát kỹ các hoạt động này của hải âu rất có bổ ích cho việc thăm dò và trinh sát đàn cá.
Cũng từ hoạt động thực tiễn trong việc đánh cá bằng ánh sáng, ngư dân Quảng Ninh đã quan sát, đúc kết kinh nghiệm: “hai đến ba ngày trước con nước sinh, trước và sau ngày có gió mùa, bao giờ sản lượng đánh bắt cũng cao nhất”.
Đối với nghề lưới vây không kết hợp ánh sáng, ngư dân còn phân biệt như sau:
– Phân biệt theo màu sắc: nước biển có màu xanh biếc hoặc xanh tím, trái lại màu của cá thì đỏ thắm hoặc xanh thẫm từng đám. Cáu nước (bợn nước) cũng có lúc đỏ như màu cá nhưng không chuyển động ngang dọc và trôi ngược dòng như đàn cá. Cáu nước chỉ trôi theo hướng nước chảy, nếu nước đứng thì cáu nước cũng ngừng di động.
– Phân biệt đục nước và đục cá: trong một vùng biển màu xanh nổi lên một đám nước đục hiện tượng đó có thể do cá hoặc do động biển gây ra. Đám nước đục do cá gây ra là do cá ăn sục xuống bùn làm vẫn đục nước kèm theo là tâm cá nổi lên, nó khác với hiện tượng đục nước do động biển gây ra.
– Phân biệt làn gió, gợn sóng và màu cá: gió luôn thay đổi hướng nên gợn sóng cũng thay đổi theo, lúc nhỏ lúc to, khi nhanh khi chậm. Trái lại, gợn sóng do đàn cá gây ra thì hướng di chuyển không thay đổi, chậm và cao so với gợn sóng do gió gây nên.
– Khi nước đứng (khi gió yên lặng sóng) là lúc thủy triều xuống đến mức thấp nhất hoặc lên đến mức cao nhất, hai dòng nước chảy giao nhau cũng tạo thành một vùng nước đứng. Vùng nước đứng có nhiệt độ, độ muối và áp suất khí quyển thích hợp với mồi ăn của cá. Cá bơi theo bắt mồi, nghề lưới vây hoặc nghề lưới vó ánh sáng khai thác ở vùng này thì sản lượng cao.
Việc quan sát nhiều năm cho thấy: cá đi đẻ hoặc đi kiếm mồi có xu hướng vào gần bờ, theo các đường đẳng sâu. Trời lạnh nước đục, cá nổi và có xu hướng dãn đàn và đi xuống, khi trời ấm cá tụ lại và đi lên.
Nguyễn Trọng Bình
Nguồn: Bách khoa thủy sản
Hội Nghề cá Việt Nam
Leave A Comment