Lưới kéo (hay còn gọi là lưới cào; lưới giã; hoặc lưới giã cào)
Là ngư cụ khai thác phổ biến ở ĐBSCL. Sản lượng do nghề lưới kéo đem lại là cao nhất nước ta hiện nay. Khác với lưới rê, lưới kéo chuyên đánh bắt các loài cá sống ở tầng đáy hoặc gần tầng đáy. Đối tượng khai thác lưới kéo là tất cả các loại cá mà nó quét được. Tuy nhiên, ngày nay lưới kéo còn có thể khai thác cả tầng giữa và tầng trên. Để phân biệt lưới kéo với ngư cụ khác ta cần xem xét nguyên lý hoạt động, cấu tạo và kỹ thuật khai thác của nó sau.
Nguyên lý đánh bắt lưới kéo
Lưới kéo đánh bắt theo nguyên lý: “Lọc nước, bắt cá”. Cá bị lùa vào lưới bởi sự di chuyển tới miệng lưới kéo và bị giữ lại ở đụt lưới. Do vậy lưới kéo là ngư cụ khai thác mang tính chủ động, cá không thể thoát ra khỏi lưới nếu như không có khả năng quay chạy ngược ra được miệng lưới.
Cấu tạo lưới kéo
Lưới kéo có dạng hình túi hay hình ống, một đầu được mở rộng, tiếp đó hẹp dần và cuối cùng bị bịt kín ở túi lưới (đụt lưới). Cấu tạo cơ bản của lưới kéo gồm: giàn lưới (cánh lưới, thân lưới, đụt lưới); các phụ tùng tạo độ mở cho miệng lưới: Ván lưới (hoặc rường lưới), giềng/viền phao, giềng/viền chì, cáp kéo (H 5.6).
1/ Cấu tạo giàn lưới kéo
Cấu tạo cơ bản của giàn lưới kéo, gồm: cánh lưới, thân lưới, đụt lưới và lưới chắn.
1.1/ Cánh lưới:
Cánh lưới là phần đầu tiên ở phía trước của miệng lưới kéo. Cánh lưới có tác dụng lùa cá vào thân và đụt lưới. Với chức năng như vậy nên người ta thường thiết kế cánh lưới sao cho có kích thước mắt lưới, là lớn nhất và độ thô chỉ lưới của cánh, là nhỏ nhất, nhằm làm giảm lực cản của nước tác dụng lên cánh và tiết kiệm nguyên vật liệu chỉ lưới.
Chiều dài cánh lưới thường chiếm 1/5 chiều dài toàn bộ giàn lưới kéo.
1.2/ Thân lưới:
Thân lưới kéo có tác dụng là tiếp tục giữ và lùa cá vào đụt. Do vậy người ta thường thiết kế kích thước mắt lưới ở thân nhỏ hơn kích thước mắt lưới ở cánh và lớn hơn kích thước mắt lưới ở đụt. Còn độ thô chỉ lưới ở thân thì lớn hơn độ thô chỉ lưới ở cánh và nhỏ hơn độ thô chỉ lưới ở đụt.
Chiều dài thân lưới thường chiếm 3/5 chiều dài toàn bộ giàn lưới kéo.
1.3/ Đụt lưới:
Đụt lưới là phần quan trọng nhất của giàn lưới. Đụt lưới có tác dụng giữ cá và bắt cá. Cá một khi đã vào đến đụt lưới luôn có xu hướng tìm cách thoát ra mạnh nhất, do vậy đụt lưới phải đảm bảo sao cho cá không thoát ra được khỏi lưới, nhưng cũng không đóng vào mắt lưới. Vì thế, đụt lưới được thiết kế với kích thước mắt lưới là nhỏ nhất và độ thô chỉ lưới là lớn nhất.
Mặt khác, đụt lưới là bộ phận thường xuyên chịu tải và bị mài mòn bởi nền đáy, nên để tăng cường độ bền cho đụt, người ta thường lắp thêm một áo đụt bao bên ngoài đụt lưới. Khi này, áo đụt thường được làm bằng vật liệu chịu mài mòn như polyethylene (PE), độ thô chỉ lưới và kích thước mắt lưới thường lớn hơn độ thô và kích thước của đụt lưới.
Chiều dài đụt lưới thường chiếm 1/5 chiều dài toàn bộ giàn lưới kéo.
1.4/ Lưới chắn:
Lưới chắn là phần nằm ở phía trên và trước miệng lưới kéo, gắn kết với hai cánh và thân trên của lưới. Tác dụng của lưới chắn là ngăn không cho cá vượt lên phía trên của miệng lưới kéo để thoát ra ngoài. Ngưới ta thường chọn độ thô và kích thước lưới chắn gần giống như độ thô và kích thưới cánh lưới.
2/ Phụ tùng lưới kéo:
Phụ tùng lưới kéo là những trang bị đi kèm với giàn lưới kéo. Phụ tùng lưới kéo nhằm đảm bảo cho lưới kéo làm việc một cách hiệu quả nhất, đạt sản lượng cao trong quá trình khai thác lưới kéo. Phụ tùng lưới kéo bao gồm các trang thiết bị sau: giềng phao, giềng chì, ván lưới hay rường lưới, cáp kéo.
2.1/ Giềng phao:
Giềng phao là dây giềng được lắp phao, giềng phao được bố trí dọc theo phần trên của miệng lưới kéo. Tác dụng của giềng phao là nâng phần trên của miệng lưới kéo, nhằm làm tăng tiết diện hứng cá của miệng lưới kéo.
Để đảm bảo đủ sức nâng phần trên miệng lưới kéo người ta cần phải tính toán chọn phao lưới kéo sao cho đạt yêu cầu đối với từng giàn lưới cụ thể. Thông thường phao lưới kéo được chọn là dạng phao cầu, đường kính từ 150-200 mm, nguyên liệu là nhựa hoặc thủy tinh tổng hợp. Số lượng phao thường từ 7-15 cái tuỳ theo qui mô lưới, bố trí dọc theo giềng phao.
Chiều dài giềng phao thì bằng với chiều dài phía trên của miệng lưới kéo. Từ chiều dài giềng phao ta có thể dự đoán được độ mở ngang của miệng lưới kéo. Thông thường độ mở ngang của miệng lưới kéo bằng 60% chiều dài giềng phao.
2.2/ Giềng chì:
Giềng chì là phần lắp đặt phía dưới của miệng lưới kéo. Trên giềng chì người ta lắp chì và các con lăn bằng gỗ, mục đích làm cho phần dưới của miệng lưới kéo bám sát được với nền đáy, giảm ma sát, nhưng không gây cản trở lưới trong quá trình làm việc.
Việc tính toán độ nặng cho giềng chì phải đảm bảo sao cho giềng chì luôn bám được nền đáy, do vậy tùy từng giàn lưới cụ thể mà chọn trọng lượng chì thích hợp. Chì luôn được lắp đặt suốt chiều dài giềng chì. Nguyên liệu chế tạo chì thường là chì hoặc xích sắt.
Chiều dài của giềng chì trong lưới kéo tầng đáy thì dài hơn giềng phao bởi giềng chì kết nối liền với thân dưới, trong khí đó giềng phao lại kết với lưới chắn.
Trong lưới kéo tôm ngoài giềng chì, người ta còn lắp đặt thêm ở phía trước giềng chì một sợi xích lùa, tác dụng của xích lùa là nhằm đánh bật các loại tôm, cá đang vùi bùn khi lưới kéo quét qua.
2.3/ Ván lưới và khung rường:
Ván lưới kéo
Trên các tàu khai thác lưới kéo ở biển người ta thường dùng ván lưới (hay còn gọi là dép) là nhằm tạo ra độ mở ngang cho giàn lưới kéo. Trong quá trình làm việc, dưới sức kéo đi tới của tàu, dòng chảy sẽ tác dụng lên mặt ván và thông qua hệ thống cáp kéo – dây treo ván (dây lèo) sẽ làm cho 2 ván dạt qua hai bên, khi đó dưới sự khống chế của giềng phao và giềng chì lưới sẽ được mở ra. Nguyên lý hoạt động của ván tương tự như nguyên lý hoạt động của diều trong không trung (H 5.2a, b). Khoảng cách giữa hai ván chính là độ rộng của diện tích quét của lưới kéo. Tuy nhiên chiều cao của ván lưới thì chưa phải là chiều cao thực sự của miệng lưới kéo ván, bởi vì chiều cao thực sự của lưới kéo ván còn cần phải tính đến sức nâng của giềng phao khi lưới làm việc trong nước.
Các tàu khai thác lưới kéo trên sông thì thường sử dụng khung rường lưới. Khung rường lưới do cấu trúc cố định nên có ưu điểm là tạo độ mở ngang và mở cao ổn định nhưng nhược điểm là không thể tăng kích thước lên quá lớn bởi khó cho việc bố trí trên tàu (H 5.3).
Độ dài của khung rường chính là độ mở ngang của miệng lưới kéo và chiều cao của khung rường cũng được xem là bằng độ mở cao của miệng lưới kéo.
2.4/ Cáp kéo:
Cáp kéo dùng để liên kết giữa tàu với lưới, và cũng nhằm đưa giàn lưới đến đúng độ sâu khai thác. Nguyên liệu làm cáp kéo có thể là dây thừng hoặc cáp thép.Tùy theo lực cản của lưới trong nước mà người ta chọn cường độ đứt của cáp kéo sao cho có thể làm việc tốt không để xảy ra đứt cáp kéo. Thông thường người ta chọn cường độ đứt của cáp gấp 2-3 lần lực cản của lưới.
Chiều dài cáp kéo được chọn tùy thuộc vào độ sâu ngư trường khai thác, thông thường chiều dài cáp kéo được thả dài ra gấp 3-4 lần độ sâu ngư trường nếu độ sâu nhỏ hơn 30 m. Nhưng nếu độ sâu lớn hơn 30m thì người ta chỉ thả dây cáp kéo dài khoảng từ (2,5 – 3,0) lần độ sâu ngư trường.
Leave A Comment